Tăng cường chuyển đổi số đối với công tác dân tộc đến năm 2030
Để thực hiện hiệu quả Quyết định 1087/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc đến năm 2030”, Ủy ban Dân tộc đã ban hành các hướng dẫn chi tiết, yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai Đề án phù hợp với tình hình thực tế.

Theo hướng dẫn số 100/UBDT-TTCĐS, các địa phương cần bám sát các nội dung của Quyết định số 1087/QĐ-TTg, Đề án và Kế hoạch số 20/KH-UBDT ngày 06/01/2025 của Ủy ban Dân tộc, trong đó đã chỉ rõ các mục tiêu, nhiệm vụ của địa phương để cụ thể vào trong kế hoạch triển khai Đề án, đồng thời lồng ghép nội dung này trong các chương trình, đề án, dự án do địa phương phụ trách.

anh tin bai

Giai đoạn 2026 - 2030, mục tiêu 80% trưởng thôn, bản, ấp, buôn và người có uy tín trong cộng đồng được đào tạo về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số.

Đối với các mục tiêu, nhiệm vụ không chỉ rõ trách nhiệm của địa phương thì đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, giao cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan chuyên môn có liên quan xác định các mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tế của địa phương tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xây dựng Kế hoạch.

Cần đảm bảo sự nhất quán từ mục tiêu đến nhiệm vụ, giải pháp, để đảm bảo mỗi mục tiêu đều có nhiệm vụ, giải pháp tương ứng để hoàn thành mục tiêu. Trong kế hoạch không đề xuất xây dựng, triển khai các hệ thống thông tin đã có, đang xây dựng hoặc trong quá trình chuẩn bị đầu tư; trường hợp cần thiết có thể đề xuất bổ sung, nâng cấp thêm các chức năng theo nhu cầu thực tế. Rà soát các hệ thống thông tin theo danh sách các nền tảng số quốc gia do các Bộ, ngành triển khai trên toàn quốc được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tại Văn bản số 2765/BTTTT-CĐSQG ngày 15/7/2024 để địa phương khai thác, đảm bảo tính đồng bộ, ránh trùng lặp.

Ngoài ra, Ủy ban Dân tộc cũng yêu cầu các địa phương xây dựng Kế hoạch cần phân công rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ thời gian cho từng tổ chức, cá nhân trong triển khai thực hiện Đề án.

Việc bố trí nguồn lực con người, tài chính là yếu tố then chốt để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, đảm bảo tính đồng bộ từ chủ trương trong kế hoạch đến thực tiễn triển khai, đồng thời bảo đảm triển khai các hoạt động của Đề án đúng thời gian, chất lượng và hiệu quả.

Ủy ban Dân tộc cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ hướng dẫn cụ thể của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Dân tộc để thực hiện lồng ghép các nhiệm vụ của Đề án với các nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đảm bảo đúng quy định của pháp luật, cụ thể, chặt chẽ, đúng chức năng và bảo đảm tính khả thi. Đồng thời, yêu cầu gửi Kế hoạch thực hiện Quyết định 1087/QĐ-TTg về Ủy ban Dân tộc chậm nhất trong Quý I/2025 và định kỳ hằng năm trước ngày 15 tháng 12 báo cáo tình hình kết quả thực hiện Đề án theo chức năng, nhiệm vụ được giao về Ủy ban Dân tộc để tổng hợp, theo dõi, giám sát.

Việc triển khai đồng bộ, nhất quán giữa các cấp sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của các địa phương, nâng cao đời sống người dân và bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số. Đề án cũng mở ra cơ hội lớn để vùng đồng bào dân tộc thiểu số bắt kịp xu thế công nghệ, vươn lên trong thời kỳ hội nhập.

anh tin bai
 

Tăng cường chuyển đổi số đối với công tác dân tộc đến năm 2030.

Đề án “Tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc đến năm 2030” nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, các mục tiêu lớn bao gồm việc đào tạo, tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ tiếp cận thông tin về công nghệ số, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho ít nhất 50% doanh nghiệp, hợp tác xã và kinh tế hộ gia đình người dân tộc thiểu số. Trong phát triển xã hội số, cần có 80% trưởng thôn, bản, ấp, buôn và người có uy tín trong cộng đồng được đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số.

Đề án đặt mục tiêu 50% chủ thể OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) là hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào nền kinh tế số. Điều này không chỉ góp phần tăng năng suất lao động, mà còn thúc đẩy hội nhập kinh tế và nâng cao đời sống của người dân vùng sâu, vùng xa.

Hằng Nguyễn





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập